Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Cá là nguồn dinh dưỡng giàu protein

Cá là một trong những loại thủy hải sản giàu protein có chứa nhiều chất béo rất có lợi cho sức khỏe và trí thông minh của trẻ như DHA, axit omega 3 và EPA (những loại chất béo này cơ thể không thể tự tổng hợp được và cũng có rất ít trong các nguồn thực phẩm từ động hay thực vật). Đây là những chất béo có tầm quan trọng rất đặc biệt là bởi vì nó là thành phần quan trọng cho sự phát triển của não bộ, trí thông minh và thị giác của trẻ.


>> Thực đơn dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ vào mùa hè

Cá là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ
Cá là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ

Trong sữa mẹ có DHA (trung bình DHA sữa mẹ chiếm 0.32% tổng số acid béo), nhưng có đủ DHA hay không lại tùy thuộc vào chế độ ăn của bà mẹ có đủ hàm lượng DHA không.

Nghiên cứu trong 50 phụ nữ các quốc gia khác nhau, cho thấy, nồng độ DHA ở phụ nữ Canada, Mỹ, Australia, Mexico đều thấp hơn 0.32%, trong khi ở phụ nữ Chile, Trung Quốc, nhất là Nhật Bản, Philippins nồng độ DHA lại rất cao.

Điều dễ hiểu phụ nữ các nước Chile, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippins họ ăn nhiều cá hơn. Vị tiến sĩ đến từ Scotland khuyên, các bà mẹ nên ăn thực phẩm có DHA trong khi mang thai và cho con bú, như cá có nhiều chất béo và hải sản (ví dụ : cá hồi, cá thu, cá ngừ, tôm), hoặc bổ sung dầu cá.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, cả trẻ em và người lớn nên bổ sung món cá vào thực đơn của mình mỗi tuần ít nhất hai lần để đảm bảo về sức khỏe và sự phát triển toàn diện trí não.

Thời điểm thích hợp nhất để cho bé tập làm quen với cá ?

Cá được xem như là một loại thực phẩm chức năng tuyệt vời, tuy nhiên đối với các trẻ nhỏ, việc lựa chọn thời điểm thích hợp để cho trẻ tập làm quen với cá lại là một điều vô cùng quan trọng.

Theo ý kiến từ phía các chuyên gia, bạn không nên cho trẻ ăn cá nếu như trẻ dưới 10 tháng tuổi. Bởi khi đó hệ thống miễn dịch cũng như hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa thật sự hoàn thiện để có thể thích ứng và xử lý toàn bộ chất béo được đưa vào cơ thể còn non trẻ của bé.

Đừng nôn nóng, bạn hãy đợi cho đến khi trẻ lớn hơn 10 tháng tuổi hoặc trước 12 tháng tuổi hãy bắt đầu cho bé tập ăn cá. Nhưng trên hết, bạn nên cho bé ăn những nhóm thực phẩm khác trước khi cho trẻ ăn cá để bé được đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Nếu như trong gia đình bạn có ai đó có tiền sử của bệnh dị ứng thuốc hay thức ăn, hen suyễn hoặc những căn bệnh mãn tính khác, bạn nên hoãn việc cho trẻ ăn cá lại mà hãy đợi cho tới khi trẻ được 3 tuổi để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe và sự thích ứng của trẻ.

Dấu hiệu và cách xử trí khi trẻ bị dị ứng với cá?

Một vài dấu hiệu thường thấy của chứng dị ứng thực phẩm như môi sưng phồng, mặt phù nề, da phát ban, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng... Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên kèm theo hiện tượng khóc quấy, khó chịu thì có thể bé đang bị dị ứng với cá (nhất là các loại cá biển thịt đỏ sinh histamine như : cá thu, cá hồi..) Và bạn phải dừng ngay việc cho bé ăn cá, trong trường hợp trẻ có những biểu hiện nghiêm trọng hãy mau chóng đưa trẻ tới gặp bác sĩ.
  
Để việc cho bé ăn cá được an toàn, đầu tiên bạn hãy cho bé tập làm quen dần với việc ăn cá bằng cách cho bé ăn thử mấy lần đầu với một lượng ít, khoảng nửa thìa thịt cá đã nấu chín và bỏ xương. Sau đó từ từ cho bé ăn nhiều thêm bằng cách nghiền nhuyễn và cho trẻ ăn như một món ăn chính trong khẩu phần ăn.

Ngoài ra có thể trộn lẫn cá cùng với khoai tây hoặc rau củ quả bé yêu thích xay nhuyễn cũng là những món hợp khẩu vị của nhiều trẻ nhỏ.

 Loại cá nào nên cho trẻ ăn ?

Đối với trẻ nhỏ tốt nhất bạn nên cho bé ăn những loại cá có thịt màu trắng, vì loại cá này giúp trẻ dễ tiêu hóa và ít có nguy cơ gây dị ứng.


Cá thịt trắng rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ
Cá thịt trắng rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ

Các loại cá được khuyên dùng như cá chim, cá bơn, cá tuyết. Bạn cũng cần hiểu rằng các loại cá nước lạnh sẽ chứa hàm lượng omega 3 axit nhiều hơn và ít chứa thủy ngân hơn so với các loại cá thông thường khác. Chính vì thế loại cá thịt trắng rất thích hợp cho bé yêu.

Loại cá nào nên tránh ?

Nên tránh cho trẻ ăn những loại cá như cá kiếm, cá mập bởi chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao và gây nên những ảnh hưởng đến sự phát triển trí não toàn diện cũng như hệ thống các dây thần kinh, dẫn tới ngộ độc.

Còn các loại hải sản khác như cua, sò, ốc, hến bạn cũng chưa nên cho bé ăn nếu như trẻ chưa đầy 3 tuổi.

Nếu bạn có ý định cho trẻ ăn cá đóng hộp sẵn, nên chọn loại cá ngâm dầu thay vì ngâm trong nước muối, bởi những loại cá ngâm trong nước muối thường có chứa hàm lượng muối lớn không tốt cho trẻ.


Hệ thống tiêu hóa và hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ cũng chưa sẵn sàng để tiếp nhận các món chưa được chế biến chín hoàn toàn như gỏi cá, cá dầm nước xốt.. Cần tránh tuyệt đối không nên cho trẻ ăn đề phòng nguy cơ bị ngộ độc.


Nguồn tham khảo : Internet

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Một số mẹo hay giúp bé thích thú ăn rau củ quả

Trong thành phần dinh dưỡng cho bé giai đoạn bắt đầu ăn dặm trở lên (từ 6 tháng tuổi trở lên), rau củ quả có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của bé vì nó cung cấp nhiều dưỡng chất cũng như các loại vitamin cho bé.

Nhưng trong thực tế, việc bé yêu thích và đòi mẹ cho  ăn rau củ quả các loại không phải là điều mà các mẹ muốn là được, thậm chí đối với một số mẹ mỗi lần muốn bé ăn một loại rau củ quả nào đó là mỗi lần mẹ vật vã với bé yêu.

Theo Phó Giáo sư TS.BS Nguyễn Thị Lâm, các mẹ không nên dùng những cách như ép buộc hay dọa nạt, mà hãy tập và cho bé ăn rau củ quả một cách tự nhiên nhất bằng sự thích thú của cái ngon miệng, của sự vui vẻ khi bé tham gia cùng mẹ vừa chơi vừa phụ làm bếp và giúp cho bé hiểu được tầm quan trọng của rau củ và trái cây tốt cho bé như thế nào, đặc biệt là cái cảm giác bé "toàn quyền chủ động" lựa chọn món bé thích ăn nằm trong khuôn khổ danh sách những món mẹ đưa ra sẵn. Có như thế thì bé mới "tự giác" phụng phịu ăn rau củ quả.

Nên áp dụng nguyên tắc win-win với bé nghĩa là bé được quyền chọn món, quyền ăn ngon, quyền, làm bếp.. gần như tất cả mọi quyền tự quyết của bé nhưng cái quyết quan trọng nhất và ẩn danh nhất là mẹ được quyền chọn danh sách những rau của quả cần thiết cho sự phát triển của bé.

Các mẹ có thể vận dụng một số mẹo dưới đây để mẹ và bé cùng giải quyết vấn đề “nan giải” này theo nguyên tắc win-win nhé.


1- Khoác chiếc áo biến hóa cho rau củ quả :

-Thêm màu sắc cho món ăn. Kết hợp nhiều loại rau củ quả với nhiều màu sắc để thu hút bé.
- Kết hợp với món yêu thích của bé. Chế biến rau củ quả cùng với những món ăn giàu dinh dưỡng bé yêu thích như trứng, thịt băm…

Khoác chiếc áo chế biến cho rau củ quả biến món ăn thành mới lạ
Khoác chiếc áo chế biến cho rau củ quả biến món ăn thành mới lạ

-Tạo hình ngộ nghĩnh, trang trí món ăn thành những hình dạng dễ thương như mặt trời, mặt cười, nhân vật hoạt hình…
- Đạ dạng hóa thực đơn, phong phú món ăn, mỗi ngày 1 món mới, có thể đặt tên món ăn theo những gì gần gũi với bé : trứng Siêu nhân hay bánh rán Đôrêmon... Thay đổi cách chế biến món ăn thường xuyên để bé không nhàm chán như salad trộn, sinh tố, kem trái cây…
- Bữa ăn phụ đầy dinh dưỡng cho bé, xắt hạt lựu hoặc cắt lát trái cây rồi trộn vào sữa chua cũng là cách giúp bé dễ ăn hơn.

2/ Từng bước cho bé tập ăn thử món mới

- "Ăn thử 1 miếng rồi thôi" là chiêu mà các mẹ thường sử dụng nhất khi cho bé ăn những món bé chỉ mới nhìn đã vội từ chối. Các mẹ thường khuyến khích bé thử dù chỉ một miếng để biết mùi vị của chúng, bé sẽ quen với mùi vị mới này sau khi thử nhiều lần. Theo các nghiên cứu khoa học, bé sẽ tiếp nhận thức ăn sau 6-8 lần từ chối, miệng mếu, mắt đầm đìa nước mắt nhưng thức ăn trong mồm vẫn nhau và cuối cùng vẫn ăn hết sạch phần thức ăn mẹ bón.
- "Trò chơi cầu vồng" khi bé đã quen với việc ăn rau củ quả, mỗi ngày mẹ nên cho bé ăn những loại có màu sắc khác nhau, bé sẽ đánh dấu trên cầu vồng của mình ngày hôm nay ăn màu gì, ngày mai mẹ sẽ đổi màu khác. Điều này sẽ giúp bé làm quen được với đa dạng các loại rau củ quả và giúp bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé khi bé thích thú với việc vừa ă vừa chơi.
3/ Bố mẹ là nguồn động lực, là người thị phạm

- Bố mẹ làm gương cho bé. Bé con rất hay bắt chước người lớn, nên bố mẹ phải là người ăn trước và mô tả vị ngon, ngọt, thơm, béo, hấp dẫn đến tê người của thức ăn mẹ làm.. rồi bé sẽ thử theo. Và bố mẹ cũng phải ráng ăn đầy đủ các loại rau củ quả thì trẻ cũng sẽ ăn đủ loại rau củ quả. Bố mẹ phải đưa ra những lời khen, phần thưởng đúng lúc khi bé vừa ăn rau củ quả sẽ có tác dụng rất tích cực như: con ăn giỏi quá, sắp cao lớn bằng chị hai rồi đấy!

Bố mẹ nên phải làm gương cho bé trong việc ăn rau củ quả
Bố mẹ nên phải làm gương cho bé trong việc ăn rau củ quả

- Kết chuyện kể những mẫu chuyện cổ tích, truyền thuyết có rau củ quả Mẹ có thể kể các câu chuyện thú vị về rau củ quả để khuyến khích bé ăn như: nếu con thích môi đỏ như Bạch Tuyết thì phải ăn quả dâu, hoặc muốn có đôi mắt sáng như Tôn Ngộ Không thì phải ăn nhiều cà rốt…bên cạnh đó giải thích về giá trị dinh dưỡng của rau quả cho bé sẽ giúp bé hiểu và ăn thật nhiều.

4/ Bé Can Cook

- Nếu nhà mẹ có trồng rau sạch, hãy cho bé tham gia những việc đơn giản để chăm sóc cây hàng ngày như tưới nước, lặt lá sâu… Đến lúc thu hoạch, đây sẽ là niềm tự hào của bé và bé sẽ hào hứng thưởng thức ngay thành quả mà bé góp sức tạo nên.

Hãy cho bé tham gia vào việc chế biến thức ăn sẽ giúp bé thích thú
Hãy cho bé tham gia vào việc chế biến thức ăn sẽ giúp bé thích thú

- Dắt bé cùng đi chợ, vừa là cách để mẹ giữ bé đồng thời dạy cho bé cách nhận biết các loại rau củ quả, cũng là lúc mẹ cho bé biết tác dụng bổ sung dinh dưỡng của rau củ quả đối với sức khỏe. Bé sẽ không chần chừ khi thử những loại rau củ đã được làm quen.
- Trao quyền quyết định cho bé “Hôm nay, đến lượt con chọn món ăn cho cả nhà nhé, nhà mình sẽ ăn quả gì nào?”. Mẹ nên cho bé quyền lựa chọn loại trái cây và rau củ trong thực đơn của mình (tất nhiên là phải nằm trong khu vực những rau củ quả mà mẹ đã khoanh vùng)
- Bé cùng mẹ nấu ăn “Nhặt rau giúp mẹ nào con gái, con phải nhặt thật sạch lá sâu thì mới có nồi canh ngon nhé”, "con trai yêu lấy giùm mẹ cái thau nhựa nhé" Được cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn, chế biến các loại rau củ sẽ khiến bé tò mò được thưởng thức món ăn mình đã góp công hoàn thành.
- Cùng bé chơi trò đồ hàng, mẹ và bé luân phiên sẽ là người mua, người bán. Người bán và người mua sẽ hỏi tên và lựa chọn rau củ quả (có thể hỏi lợi ích của từng loại). Chắc chắn bé sẽ học được rất nhiều từ trò chơi này.
- Thi đua xem ai ăn nhanh nào, các bố mẹ nên nhớ bé rất dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè xung quanh. Thỉnh thoảng, mẹ hãy mời bạn của bé đến nhà ăn cùng bé nhé. Chỉ cần có bạn ăn cùng, bé sẽ cố gắng chứng tỏ là chỉ có bé là bé ăn nhanh nhất, nhiều nhất, ít đổ vãi nhất. Mách nhỏ các mẹ nếu giả sử bạn bé ăn khỏe quá thì hãy nghĩ sẵn một gai3i nhất nào đó giành cho bé, không thôi bé sẽ khóc nhè đấy nhé, ví dụ như : giải nhất về ăn cà rốt nhanh (bạn kia không thích ăn cà rốt)... Bé sẽ dễ dàng bị thuyết phục bởi những yếu tố vui nhộn, hào hứng.

Việc sử dụng các mẹo hay trên sẽ giúp bé thích thú tham gia vào việc tập làm quen và ăn rau củ quả và mang lại hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ nhất, tốt nhất cho các bé từ 6 tháng tuổi trở lên, giúp các bé tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.


Nguồn tham khảo: Internet

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Trẻ cần bú đêm khi nào ?

Có một số bố mẹ luôn quan niệm rằng phải luôn cho trẻ uống sữa ban đêm để bé mau chóng phát triển vì nghĩ rằng thời gian ngủ suốt 8 tiếng là rất dài và cần phải nạp thêm dinh dưỡng cho bé. Ví dụ như có mẹ có con gái tôi hiện được 8 tháng tuổi và không bú mẹ nữa. Nên mẹ cho bé bắt đầu đi ngủ và uống 120ml sữa vào khoảng 10h tối. Bé bắt đầu ngủ say từ khoảng 10h30 cho tới sáng. Nhưng trong đêm mẹ canh giờ thức dậy và cho cháu uống sữa, nhưng bé uống rất lâu, khoảng 40-60 phút mới xong bình sữa 120ml. Đến 6h sáng bé lại tiếp tục được mẹ cho uống sữa. Mẹ nghĩ, do cháu uống sữa buổi đêm nên cần phải cho bé uống sữa mọi lúc mọi nơi để nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé.

Đánh thức trẻ dậy vào ban đêm và cho trẻ bú sữa là không nên
Đánh thức trẻ dậy vào ban đêm và cho trẻ bú sữa là không nên

Điều này hoàn toàn sai lầm vì theo các chuyên gia dinh dưỡng thì bé từ 6 tháng tuổi trở đi không cần thiết phải được bú đêm nữa vì ở giai đoạn này, bé đã bước vào giai đoạn ăn dặm. Các chuyên gia khuyên các mẹ chỉ nên cho bé ăn bữa chiều, tối sữa loãng hơn để bé dễ tiêu hóa khi ngủ. Các mẹ cũng không nên cho bé ăn thật no trước giờ ngủ để bù cho khoảng thời gian 8 tiếng khi bé ngủ vì làm như vậy bé sẽ bị nặng bụng, hay quấy khóc vào ban đêm. Nếu bé đã quen với việc đòi bú đêm, các mẹ cần nên tập cho bé quen với việc ngủ một giấc ngon lành cho tới sáng. Với đa số trẻ, thì từ tháng thứ 6 trở đi, bé đã có thể ngủ liền một lúc 11 tiếng đồng hồ và không cần thiết phải ăn đêm. Các mẹ cần lưu ý nên tìm cách tăng cường giờ chơi và thức vào ban ngày, để ban đêm bé có được giấc ngủ sâu hơn, trọn vẹn hơn. 

Nếu trong trường hợp bé bú đêm, nên cho bé bú trước 21h và sau 5h sáng. Vì khi ngủ bé đã ngủ, hệ thần kinh của bé cũng cần được nghỉ ngơi, hạn chế làm việc cho nên hệ tiêu hóa cũng cần được nghỉ. Còn một lý do khác nữa, bản thân quá trình tiêu hóa hấp thu về đêm cũng diễn ra chậm hơn nhiều so với bình thường. Nếu bé phải bú đêm nhiều lần, giấc ngủ của bé sẽ không sâu, không trọn vẹn vì bị thức giấc nhiều lần dẫn đến tâm lý bé sẽ khó chịu, bực bội, dễ quấy khóc, khả năng hấp thụ cũng kém hơn. Có nhiều trường hợp vì đã quen ăn đêm nên dẫn đến bé bị biếng ăn vào ban ngày, không có lợi cho hệ tiêu hóa của bé.


Nguồn tham khảo : Internet

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Phần 2)

Tiếp theo bài viết phần 1 "Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em", xin giới thiệu đến các bạn phần 2 với nội dung : Cần làm gì để phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại mỗi gia đình ?


Cần làm gì để phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại mỗi gia đình

Nếu muốn công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thật sự có hiệu quả, nhất thiết cần có sự hiểu biết, chủ động và thay đổi cách thức chăm sóc dinh dưỡng của các bố mẹ tại mỗi gia đình. Do đó, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng lấy gia đình là đối tượng chủ yếu để thực hiện vận động, tuyên truyền và triển khai công tác chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em. Để chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đạt được hiệu quả thì tất cả các bố mẹ, gia đình đều hưởng ứng và thực hiện 8 nội dung cụ thể sau đây:

  1. Chăm sóc ăn uống của phụ nữ có thai để đạt mức tăng cân 10-12 cân trong thời gian có thai. Khám thai ít nhất 3 lần, tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván.
  2. Cho trẻ bú sớm trong nửa giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 4 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng.
  3. Cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, dặm) từ tháng thứ 5. Tô màu đĩa bột, tăng THÊM CHẤT BÉO (DẦU, MỠ, LẠC, VỪNG). Ăn nhiều bữa.
  4. Thực hiện phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng: Phụ nữ có thai uống viên sắt/ acid folic hàng ngày. Trẻ em 6-36 tháng uống vitamin A liều cao 2 lần một năm. Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp). Thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chăm sóc và nuôi dưỡng hợp lý trẻ bị bệnh.
  5. Phát triển ô dinh dưỡng trong hệ sinh thái VAC (vườn, ao, chuồng) để có thêm thực phẩm cải thiện bữa ăn gia đình. Chú ý nuôi gà, vịt để trứng, trồng rau ngót, đu đủ, gấc.
  6. Phấn đấu bữa ăn nào cũng có đủ 4 món cân đối. Ngoài cơm (cung cấp năng lượng), cần có đủ 3 món nữa là: rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo) và canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ăn ngon miệng.
  7. Thực hiện vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiểu tiện. Ðảm bảo vệ sinh thực phẩm, thức ăn không là nguồn gây bệnh.
  8. Thực hiện gia đình hạnh phúc, có nếp sống văn hoá, năng động, lành mạnh. Có biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sức khoẻ của trẻ. Không có trẻ suy dinh dưỡng, không sinh con thứ ba.
 
Chỉ cần thực hiện tốt 8 nội dung trên thì mẹ và bé đều vui vẻ hạnh phúc
Chỉ cần thực hiện tốt 8 nội dung trên thì mẹ và bé đều vui vẻ hạnh phúc

Nếu mọi gia đình đều hưởng ứng và thực hiện tốt 8 nội dung trên thì nhà nhà đều vui vẻ, hạnh phúc, thế hệ trẻ Việt nam ngày một thông minh, mạnh khỏe, đem lại nhiều thành công, đóng góp cho xã hội, cho đất nước.


Nguồn tham khảo : Internet

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Phần 1)

Bố mẹ nào cũng mong con mình to tròn, mạnh khỏe, năng động, đáng yêu. Có một vấn đề mà bất cứ bố mẹ nào cũng muốn diệt trừ từ khi còn trong trứng nước đó chính là "suy dinh dưỡng". Suy dinh dưỡng do thiếu protein- năng lượng (thường gọi là suy dinh dưỡng) là tình trạng thiếu dinh dưỡng. Biểu hiện của suy dinh dưỡng là làm cho trẻ chậm lớn và thường hay mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và viêm đường hô hấp, gây ảnh hưởng là trẻ bị giảm khả năng học tập, năng suất lao động kém khi trưởng thành.


Những biện pháp phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ

Các trẻ suy dinh dưỡng thường dễ mắc bệnh, tăng nguy cơ tử vong và thường kèm theo thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng. Ðáng chú ý là trẻ bị suy dinh dưỡng thể trạng nhẹ và ít được người mẹ, các thành viên khác trong gia đình chú ý tới vì trẻ vẫn bình thường. Ở một cộng đồng (xóm, làng, xã nhất là ở những nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn...) có nhiều trẻ suy dinh dưỡng, ta càng khó nhận biết được vì chúng đều "nhỏ bé" như nhau. Do đó, suy dinh dưỡng trẻ em là mối quan tâm hàng đầu của bố mẹ cũng như của của mọi người.

1. Làm thế nào để nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng?Theo dõi cân nặng hàng tháng là cách tốt nhất để nhận ra đứa trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không ? Trẻ bị suy dinh dưỡng khi không tăng cân, nhẹ cân hơn đứa trẻ bình thường cùng độ tuổi.

2. Tại sao trẻ lại bị suy dinh dưỡng?Trẻ bị suy dinh dưỡng lý do chỉ đơn giản là trẻ bị thiếu ăn, bữa ăn thiếu số lượng, thiếu chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển, qua các trường hợp như sau :

- Trẻ dưới 5 tuổi thường có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển cơ thể. Ðể đáp ứng nhu cầu đó, trẻ cần được ăn uống đầy đủ theo sự phát triển của lứa tuổi. Trẻ dưới 4 tháng tuổi cần được bú mẹ hoàn toàn. Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng của trẻ nhỏ. Từ tháng thứ 5 trẻ bắt đầu có thể ăn thêm ngoài sữa mẹ. Từ tháng tuổi này, thực hành nuôi dưỡng trẻ có ý nghĩa quyết định đối với việc trẻ có tránh xa suy dinh dưỡng được hay không ? Nhiều bà mẹ chỉ cho trẻ ăn bột muối, thức ăn sam (dặm) thiếu dầu mỡ, thức ăn động vật, rau xanh, hoa quả. Ðây là những tập quán nuôi dưỡng chưa hợp lý cần được khắc phục. Mặc khác, để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, trẻ cần được ăn nhiều bữa trong ngày vì trẻ nhỏ không thể ăn một lần với khối lượng lớn như trẻ lớn hoặc người lớn.

Thức ăn nhàm chán đơn điệu sẽ làm bé chán ăn suy dinh dưỡng
Thức ăn nhàm chán đơn điệu sẽ làm bé chán ăn suy dinh dưỡng

- Người mẹ bị suy dinh dưỡng: Người mẹ trước và trong khi mang thai ăn uống không đầy đủ dẫn đến thai nhi bị suy dinh dưỡng và có thể đẻ ra đứa con nhẹ cân, còi cọc. Ðứa trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai sẽ dễ dẫn đến bị suy dinh dưỡng sau này. Người mẹ bị suy dinh dưỡng, ăn uống kém trong những tháng đầu sau đẻ dễ bị thiếu sữa hoặc mất sữa, do đó đứa con dễ bị suy dinh dưỡng vì không có đủ nguồn sữa để cung cấp năng lượng cho sự phát triển.

Các bệnh nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp, tiêu chảy, các bệnh ký sinh trùng: Ðây là tình trạng hay gặp ở nước ta. Chế độ nuôi dưỡng không hợp lý khi trẻ bệnh là một nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng sau mắc bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi.

Thiếu chăm sóc hay đứa trẻ bị "bỏ rơi": Ngoài chăm sóc về ăn uống, đứa trẻ còn cần được chăm sóc về sức khoẻ (tiêm chủng, phòng chống nhiễm khuẩn), chăm sóc về tâm lý, tình cảm và chăm sóc về vệ sinh. Môi trường sống ở gia đình bị ô nhiễm, sử dụng nguồn nước không sạch để nấu ăn, tắm giặt cho trẻ, những vấn đề về xử lý nước thải, phân, rác... không đảm bảo, cũng là những yếu tố dẫn đến suy dinh dưỡng cho trẻ.

4. Những đứa trẻ nào dễ bị suy dinh dưỡng?

- Trẻ từ 6 - 24 tháng: thời kỳ trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao, thời kỳ tập thích ứng với môi trường, thời kỳ nhạy cảm với bệnh tật.

- Trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không đủ sữa.

- Trẻ đẻ nhẹ cân (< 2.500g); trẻ sinh đôi, sinh ba.

- Trẻ ở gia đình đông con, điều kiện kinh tế khó khăn, vệ sinh kém, gia đình không hoà thuận.

- Trẻ hiện đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: bệnh sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp ...

Do bài viết khá dài nên xin tạm dừng tại đây, trong bài viết kế tiếp mình sẽ trình bày phần 2 là phần hướng dẫn cách phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em tại mỗi gia đình vô cùng quan trọng và cần thiết. Rất mong các bạn quan tâm, theo dõi để chăm sóc cho bé yêu được mau ăn, chóng lớn, phát triển toàn diện với tình yêu thương nồng ấm của bố mẹ và người thân.


Nguồn tham khảo : Internet

Dinh dưỡng dành cho bé từ 2-5 tuổi cần đầy đủ về lượng, đúng về chất

Khi từ 2-5 tuổi, bé đang trong giai đoạn đã phát triển hoàn thiện các chức năng vận động và đang trong quá trình phát triển trí tuệ nhanh nhất. Đây là lứa tuổi phát triển thần tốc về trí lực lẫn thể lực cho nên nhu cầu năng lượng của bé lúc này là rất lớn. Vì vậy các mẹ cần quan tâm để có chế độ bồi dưỡng đầy đủ về lượng, chú trọng về đúng chất nhằm đáp ứng cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.


Nhu cầu về năng lượng của trẻ từ 2 đến 5 tuổi là rất lớn

1. Chất và lượng trong bữa ăn

Các bố mẹ cần chú ý xác định nhu cầu thức ăn và dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Có hơn 60 loại chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển trí thông minh của trẻ ở lứa tuổi này, chia làm 5 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất...

Bố mẹ đặc biệt phải lưu tâm vấn đề lựa chọn thực phẩm đa dạng cho bữa ăn của trẻ để trẻ được cung cấp đầy đủ các nhóm chất này. Ngoài ra, món ăn cũng nên được thay đổi cách chế biến hàng ngày để đa dạng hóa món ăn, thức ăn ngon miệng, phong phú hình thức sẽ kích thích trẻ ăn ngon miệng và bữa ăn đỡ bị nhàm chán.

Thực đơn của bé cần phong phú đa dạng tránh nhàm chán
Thực đơn của bé cần phong phú, đa dạng, tránh nhàm chán

Về chất, bữa ăn của trẻ cũng gần giống như của người lớn, gồm ba bữa chính và một bữa phụ/ngày. Trong đó, năng lượng bữa sáng chiếm khoảng 25%, bữa trưa chiếm 40%, bữa chiều 10% và bữa tối khoảng 25%.

Về lượng, nên giảm bớt lượng dầu mỡ cho vào các bữa ăn, chỉ ăn thịt nạc, cá, tôm… không nên cho trẻ ăn quá nhiều ăn thịt mỡ và các món xào, rán. Lượng sữa bé vẫn cần ít nhất 3 cữ mỗi ngày với khoảng 200 ml mỗi cữ để đạt chiều cao tốt nhất cũng như bổ sung thêm chất đạm, vitamin và khoáng chất cho nhu cầu hoạt động ngày càng cao của bé.

Bố mẹ nên chọn sữa tươi không đường, sữa đậu nành không đường hoặc sữa bột tách béo, tránh dùng các loại sữa bột nguyên kem và sữa đặc có đường.

2. Các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ

a/ Chất xơ (Rau xanh và trái cây):
Đây là thực phẩm rất quan trọng trong việc cân đối nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày, nên cho trẻ ăn khoảng 200g rau/ngày.

Trẻ thường rất lười ăn rau. Bố mẹ đừng cho trẻ ăn với thái độ ăn cũng được mà không ăn cũng chẳng sao. Hãy tập cho trẻ phải xem đó như một khẩu phần bắt buộc. Ngoài ra bữa ăn nên trình bày sao cho các thứrau quả, trái cây trông thật hấp dẫn, ngon lành và đúng với lúc trẻ đang đói, trẻ sẽ ăn một cách ngon miệng và trẻ sẽ thích các món rau hơn.

Rau xanh cung cấp chất xơ rất tốt cho cơ thể
Rau xanh cung cấp chất xơ rất tốt cho cơ thể

b/ Chất đạm:
Chọn thịt nạc như thịt gà, thịt bò, thịt heo, cá ngừ, cá thu, trứng luộc, sữa hoặc những miếng pho-mát nhỏ,… Chúng chứa nhiều đạm và đảm bảo nhu cầu đạm cho mỗi bữa ăn của trẻ.

c/ Carbohydrate (Tinh bột):
Chọn những nguyên liệu cung cấp carbohydrate phức hợp như bánh mì toàn phần, khoai tây, mì sợi…Những món ăn này phóng xuất năng lượng chậm, lâu bền nên duy trì được năng lượng, giúp trẻ hoạt động và tập trung trong thời gian dài.

d/ Can-xi:
Lượng sữa trẻ uống hàng ngày sẽ cung cấp một lượng canxi dồi dào cho nhu cầu phát triển hệ xương, răng đang ngày càng cao của cơ thể. Một hũ sữa chua và 30g pho-mát cứng cung cấp một lượng canxi tương đương với 200ml sữa. Ngoài ra, canxi còn có nhiều trong các loại thủy hải sản như tôm, cua, cá…

e/ Vitamin và muối khoáng:
Tốc độ phát triển của bé rất nhanh, sự trao đổi chất mạnh mẽ, nhu cầu vitamin và muối kháng tương đối cao, đa số các lượng và các loại gần bằng người lớn, thậm chí có loại còn cao hơn. Trong đó vitamin A, B, C, D... có ý nghĩ quan trọng. Những loại vitamin này thường hay thiếu trong thức ăn, cần chú ý bổ sung. Nhu cầu muối natri của trẻ từ 3 tuổi trở lên cao hơn người lớn hai lần.

f/ Nước:
Cơ thể của trẻ nhỏ cần nhiều nước hơn người lớn, bạn nên khuyến khích bé uống nhiều nước.

Để biết con bạn có được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng không ? Bạn có thể lập 1 Biểu đồ tăng trưởng. Vì biểu đồ tăng trưởng này giúp bạn biết liệu bé có hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Bạn cần phải để cho trẻ ăn theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể trẻ
Bạn cần phải để cho trẻ ăn theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể trẻ
Khi con bạn cần năng lượng, bé sẽ tự cảm thấy ngon miệng. Bạn hãy để con ăn theo nhu cầu và bé sẽ ngừng ăn khi bé cảm thấy no. Bé sẽ biết khi nào cơ thể bé cần thức ăn gì và bé cần ăn bao nhiêu. Việc của bạn là cung cấp các thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, còn bé ăn gì và ăn bao nhiêu hãy để bé quyết định. Việc của bé đã có bé lo, việc của bạn chính là tìm cách nâng cao tay nghề làm bếp để đến mỗi bữa ăn là mỗi lần bé trông chờ mong ngóng món ngon mẹ làm.


Nguồn tham khảo : Internet

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Thực đơn tham khảo và dinh dưỡng cho bé từ 18-24 tháng tuổi

Bất cứ bố mẹ nào cũng đều mong ước con mình khỏe mạnh, phát triển tốt. Nhưng muốn được như vậy, bố mẹ phải cho trẻ ăn uống và dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng. Trẻ từ 18-24 tháng tuổi có nhu cầu về dinh dưỡng phải có sự khác biệt so với các lứa tuổi khác.


Theo chuẩn của WHO 2007, số đo và cân nặng trung bình của trẻ 18 tháng tuổi như sau:- Bé trai có cân nặng trung bình 10,9 kg (dao động từ 8,8  kg đến 13,7 kg), chiều cao trung bình  là 82,3 cm (dao động từ 76,9 cm đến 87,7 cm).

- Bé gái có cân nặng trung bình 10,2 kg (dao động từ 8,1 kg đến 13,2 kg), chiều cao trung bình  là 80,7cm (dao động từ 74,9 cm đến 86,5 cm).

Ở lứa tuổi này bé đã có thể ăn được nhiều loại thực phẩm khác nhau. Cho nên, bạn cần cho bé ăn càng đa dạng càng tốt. Bé một tuổi trở lên đã có 1 số răng sữa, tiêu hóa và nhai đã khỏe dần. Trước đây, thức ăn của bé chính là sữa, sau chuyển dần sang ăn bột, cháo, thịt, trứng. Mỗi ngày bé ăn 3 bữa chính và 1 bữa phụ, mỗi bữa nên cách nhau 3-4 giờ.

Mỗi ngày bé 18 đến 24 tháng tuổi có thể ăn 3 bữa chính và 1 bữa phụ
Mỗi ngày bé 18 đến 24 tháng tuổi có thể ăn 3 bữa chính và 1 bữa phụ
  
Các mẹ không nên ninh xương nấu cháo cho trẻ vì canxi từ xương không tan trong nước. Ngoài thịt, bạn nên cho bé ăn các loại thực phẩm giàu canxi như : cua đồng, tôm, cá, hến…. và cũng là nguồn cung cấp chất đạm tốt cho cơ thể. Bạn nên cho thêm rau xanh và dầu mỡ để dinh dưỡng được đầy đủ và bé ngon miệng hơn.

Bữa sáng, bạn nên cho trẻ ăn uống nhiều hơn, chất lượng hơn một chút vì nó sẽ cung cấp dinh dưỡng cho trẻ hoạt động suốt buổi sáng, nhất là sau một đêm dài. Bữa tối cho ăn ít hơn 2 bữa sáng, trưa; thức ăn dễ tiêu hơn sẽ khiến trẻ ngủ ngon hơn. Khi trẻ tập ăn cơm, bố mẹ hãy tập cho trẻ thói quen nhai kỹ, nuốt chậm. 

Các mẹ cần biết: trong thức ăn có 6 nhóm chất dinh dưỡng: Protein (đạm), chất lipit (béo), gluxit (đường, bột), chất khoáng, vitamin và nước. Sáu nhóm dinh dưỡng này đều rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Từ 1-2 tuổi, hầu hết các bé cần được cung cấp 900 đến 1400 calo mỗi ngày.

Để thuận tiện cho việc bồi dưỡng, chăm sóc thực đơn cho bé yêu hàng ngày được mau ăn, chóng lớn, phát triển toàn diện thì bạn có thể tham khảo thực đơn cơ bản như sau :

Thực đơn dinh dưỡng tham khảo dành cho bé 18 đến 24 tháng tuổi
Thực đơn dinh dưỡng tham khảo dành cho bé 18 đến 24 tháng tuổi

THỨ HAI

06 giờ 00: 1 chén nui xào thịt heo + 100ml sữa
09 giờ 00: 1 bánh flan + 100ml sữa
11 giờ 00: 1 chén cháo + thịt bò + bí đỏ
14 giờ 00: 1 ly nước cam 50ml + 150ml sữa
16 giờ 00: 1 chén cháo + cá + cải bó xôi
20 giờ 00: 200ml sữa

THỨ BA

06 giờ 00: 1 chén hủ tíu gan, tim, huyết + 100ml sữa
09 giờ 00: 1 hũ yaourt + 100ml sữa
11 giờ 00: 1 chén cháo + tôm cải bắp Đà Lạt
14 giờ 00: 1 trái chuối + 150ml sữa
16 giờ 00: 1 chén cháo + trứng + cà chua
20 giờ 00: 250ml sữa hoặc 1 chén mì hoành thánh

THỨ TƯ

06 giờ 00: 1 chén mì gói + thịt bò + 100ml sữa
09 giờ 00: 1 cái bánh bông lan 50g + 100ml sữa
11 giờ 00: 1 chén cháo + tôm khô + cà rốt
14 giờ 00: 1 miếng đu đủ 50g + 150ml sữa
16 giờ 00: 1 chén cháo + cua đồng + rau muống
20 giờ 00: 200ml sữa

THỨ NĂM
06 giờ 00: Súp bột bắp + cua + trứng cút + 100ml sữa
09 giờ 00: 1 cái bánh quy+ 100ml sữa
11 giờ 00: 1 chén cháo + tàu hủ trứng + rau ngót
14 giờ 00: 5 trái nho + 150ml sữa
16 giờ 00: 1 chén cháo + xúc xích + su su
20 giờ 00: 200ml sữa

THỨ SÁU

06 giờ 00: 1 chén bánh canh tôm + 100ml sữa
09 giờ 00: 50ml tàu hủ đường + 100ml sữa
11 giờ 00: 1 chén cháo + cua biển + rau dền
14 giờ 00: 1 trái hồng 50g + 150ml sữa
16 giờ 00: 1 chén cháo + lươn + bí đao
20 giờ 00: 200ml sữa

THỨ BẢY

06 giờ 00: Phở gà + 100ml sữa
09 giờ 00: 1 cái bánh mì phô mai + 100ml sữa
11 giờ 00: 1 chén cháo + nghêu + dưa chuột
14 giờ 00: 1 trái sabôchê 50g + 150ml sữa
16 giờ 00: 1 chén cháo + chà bông + xà lách xoong
20 giờ 00: 200ml sữa

CHỦ NHẬT

06 giờ 00: Bún riêu cua + 100ml sữa
09 giờ 00: 1 trứng vịt lộn + 100ml sữa
11 giờ 00: 1 chén cháo + thịt gà + đậu xanh
14 giờ 00: 1 miếng xoài chín + 150ml sữa
16 giờ 00: 1 chén cháo + ếch + mướp
20 giờ 00: 200ml sữa

* Nếu trẻ bú mẹ: Bú theo nhu cầu sau mỗi cữ ăn và cả đêm.

* Nếu trẻ không bú mẹ: Bạn nên bổ sung thêm 200-250 ml sữa vào mỗi đêm. Nếu con bạn không bú đêm, bạn có thể sắp xếp cho trẻ ngủ trễ hơn để trẻ bú thêm một cữ trước khi ngủ hoặc cho trẻ dậy sớm bú một cữ lúc 4 giờ sáng. 


Nguồn tham khảo : Internet

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Dinh dưỡng dành cho bé từ 12 đến 18 tháng tuổi

Theo kinh nghiệm cho thấy, khi bé được 12 tháng tuổi, cân nặng thường gấp 3 lần lúc mới sinh và đạt chiều cao trung bình là 75cm. Bé từ 12 tháng tuổi trở đi tốc độ tăng cân sẽ chậm lại, vì vậy các mẹ đừng quá nôn nóng, sốt ruột. Đây là giai đoạn bé đã có thể chuyển sang ăn cháo đặc hoặc cơm nát và ăn 2 bữa mỗi ngày do đó, các mẹ cần chú ý đến chất lượng bữa ăn để cung cấp cho bé đủ nhu cầu về dinh dưỡng. Ở giai đoạn này, bé bắt đầu phát ra những tiếng nói đầu tiên. Đây là dấu hiệu đánh dấu sự phát triển về mặt nhận thức của bé. Bé cũng đã có thể thực hiện được một số hoạt động có chủ ý như tập đứng, đi...


Trẻ 1 tuổi cần tăng cân bình quân hàng tháng từ 200-300 gr. Trẻ 12 tháng tuổi được xem là phát triển bình thường nếu cân nặng gấp 3 lần lúc sinh (khoảng 10-11 kg). Trẻ 24 tháng cân nặng tăng gấp 4 lần lúc trẻ sinh ra (khoảng 12 kg). Trong quá trình phát triển cân nặng, nếu có 1 tháng bé không tăng cân thì mẹ bé cũng đừng nên quá lo lắng. Vì ở lứa tuổi này, tốc độ tăng cân thấp hơn lúc dưới 1 tuổi. Nhưng nếu liên tục trong 2-3 tháng liền bé không tăng hoặc bé bị sụt cân thì nên đưa đến bác sĩ để được khám và tư vấn dinh dưỡng.

Bé mới sinh thường có chiều dài bình quân 49-50 cm. Chiều cao trung bình của bé khi tròn 12 tháng là khoảng 75 cm, đến 24 tháng là khoảng 87 cm. Trong 2 năm đầu, chiều cao của bé tăng rất nhanh: năm thứ nhất tăng khoảng 25 cm, năm thứ hai tăng khoảng 12 cm. Việc chăm sóc bé tốt trong thời gian này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển chiều cao lúc trưởng thành.
 
Với trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên các mẹ cần chú ý lượng thức ăn hàng ngày của trẻ. Không nên ép bé ăn nhiều, hoặc cho bé ăn quá nhiều chất đạm, chất béo trong tình trạng bé thiếu cân hoặc thấp hơn so với bạn đồng trang lứa mà không qua sự tư vấn hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Với bé 12 tháng tuổi, bạn có thể cho bé ăn cháo đặc, cơm nát, thức ăn mềm... để bé dần thích nhai, cho bé ăn đa dạng thịt, cá, tôm, cua. Bạn tham khảo thực đơn sau dành cho trẻ 12 tháng chi tiết các ngày trong tuần như sau :

Bảng thực đơn chi tiết dành cho trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi
Bảng thực đơn chi tiết dành cho trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi


Nguồn tham khảo : Internet

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Dinh dưỡng cho bé 6 đến 12 tháng tuổi

Để thuận tiện cho việc chăm sóc, bồi dưỡng cho bé yêu giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi. Mình xin giới thiệu đến các mẹ Bảng số liệu chi tiết về phát triển chiều cao & cân nặng của bé theo từng tháng với các chỉ số tối thiểu - tối đa giúp các mẹ dễ tham khảo.


Chiều cao (cm)Cân nặng (kg)
Bé traiBé gáiBé traiBé gái
Mới sinh44.9 ~ 52.045.0 ~ 52.02.23 ~ 3.792.25 ~ 3.73
1-2 tháng51.6 ~ 60.051.2 ~ 58.43.82 ~ 6.093.69 ~ 5.63
2-3 tháng55.0 ~ 63.854.5 ~ 62.34.63 ~ 7.44.44 ~ 6.81
3-4 tháng57.8 ~ 67.057.1 ~ 65.75.31 ~ 8.365.05 ~ 7.68
4-5 tháng60.6 ~ 69.559.1 ~ 68.25.85 ~ 9.045.53 ~ 8.29
5-6 tháng62.6 ~ 71.461.0 ~ 69.95.85 ~ 9.045.90 ~ 8.80
6-7 tháng64.0 ~ 73.062.6 ~ 71.26.66 ~ 9.976.23 ~ 9.23
7-8 tháng65.1 ~ 74.363.9 ~ 72.46.91 ~ 10.266.44 ~ 9.53
8-9 tháng66.2 ~ 75.565.2 ~ 73.57.15 ~ 10.496.62 ~ 9.78
9-10 tháng67.3 ~ 76.666.3 ~ 74.67.36 ~ 10.736.78 ~ 10.0
10-11 tháng67.3 ~ 76.666.3 ~ 74.67.36 ~ 10.736.78 ~ 10.0
11-12 tháng69.5 ~ 78.968.5 ~ 77.07.73 ~ 11.187.14 ~ 10.45

Trong những tháng đầu tiên, bé chỉ bú sữa mẹ vì đó là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, thân thuộc nhất, tốt nhất đối với bé. Nhưng trong 6 tháng tiếp theo, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan nên bé bắt đầu ăn dặm và đến khi 1 tuổi bé đã ăn được hầu hết các thức ăn như người lớn. Sự chuyển tiếp này là một vấn đề lớn vì cả mẹ và bé cần làm quen dần với khái niệm “bữa ăn gia đình”. Để giải quyết vấn đề này, bạn cần cho trẻ ăn dặm từng bước để trẻ có thời gian làm quen với thức ăn mới, và bạn cần nhớ rằng sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ. Bạn nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ và dùng bổ sung thêm sữa công thức phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm, bố mẹ không nên sốt ruột mà cho bé ăn được nhiều ngày trong những bữa đầu. Việc tập cho bé ăn dặm cần được thực hiện một cách từ từ, với các loại thức ăn chú ý tập cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, thức ăn tăng dần theo từng lứa tuổi.

Trẻ từ 5 - 6 tháng :
  • Bắt đầu ăn: Nên cho trẻ ăn thử bột loãng (tỷ lệ 1:10) với lượng bột khoảng ½ thìa cà phê.
  • Trong tuần thứ nhất: Cho trẻ ăn với lượng 1 thìa cà phê khẩu phần ăn.
  • Các tuần tiếp theo tiếp tục cho trẻ ăn bột loãng với lượng như vậy, khi bé đã quen thì bắt đầu tăng từ 1 bữa bột/ngày lên hai bữa bột/ngày, lên ba bữa bột/ngày và sau đó nấu bột đặc dần cho trẻ ăn.
Trong thời gian đầu tập ăn, chủ yếu là cho bé làm quen với thìa và tập nuốt, nguồn dinh dưỡng vẫn là sữa.

Trẻ từ 7 - 12 tháng :

Sau một thời gian tập ăn dặm, thời kỳ này trẻ đã quen với việc ăn thức ăn thô, và có thể ăn được tất cả các loại thức ăn nhưng cần được nấu, nghiền, xay nhỏ. Trong một ngày thực đơn của bé có thể dùng nhiều loại thức ăn chế biến nấu cùng bột hoặc cháo xay nhỏ chế biến thức ăn vào theo từng thực đơn.

Đến tháng thứ 8, mặc dù bé chưa có đủ răng nhưng bắt đầu có phản xạ nhai, vì vậy thức ăn nấu cho trẻ cần được nấu nhừ và còn lại chút độ thô để kích thích trẻ nhai nuốt.

Tháng thứ 9, đây là giai đoạn mẹ và bé thở phào nhẹ nhõm vì đã trải qua một thời gian tập ăn dặm của bé thật công phu. Lúc này trẻ có thể ăn được nhiều món ăn do mẹ nấu mà bé thích. Sau thời kỳ này đến 1 tuổi, trẻ có thể bắt đầu tập ăn cơm nhão, cơm nát và có thể ăn cơm cùng bố mẹ.

Các nhóm thức ăn bổ sung:
  • Nhóm cung cấp chất đạm : thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đỗ, vừng..
  • Nhóm cung cấp tinh bột : gạo, mì, khoai, ngô…
  • Nhóm cung cấp chất béo : dầu, mỡ, lạc…
  • Nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng : rau ngót, rau muống, rau dền, rau cải, mùng tơi, chuối, đu đủ, xoài ….
Số lượng bữa ăn hàng ngày:
  • Từ 5 - 6 tháng : Bú mẹ là chính + 1 - 2 bữa bột loãng và nước hoa quả.
  • Từ 7 - 9 tháng : Bú mẹ + 2 - 3 bữa bột đặc và nước hoa quả.
  • Từ 10 - 12 tháng : Bú mẹ + 3 - 4 bữa bột đặc và hoa quả.
Các món ăn cho trẻ ăn dặm theo tuổi : 3 món bột cho bé bắt đầu ăn dặm
 
1. BỘT SỮA - BÍ ĐỎ (Một chén cung cấp 166 calo)

Nguyên liệu:
  • Bột gạo 10g (2 muỗng canh gạt)
  • Sữa bột – loại sữa bé vẫn thường dùng: 12g (3 muỗng canh gạt)
  • Bí đỏ 30g (3 muỗng canh gạt)
  • Dầu 2,5g (1/2 muỗng cà phê)
  • Đường 10g (2 muỗng cà phê)
  • Nuớc 200ml (lưng 1 chén)
Bột sữa bí đỏ giúp trẻ ăn ngoan chóng lớn
Bột sữa bí đỏ giúp trẻ ăn ngoan chóng lớn

Cách làm:
  • Bí đỏ luộc chín, tán nhuyễn.
  • Lấy chút nước lạnh khuấy với 10g bột cho tan đều, thêm bí đỏ, đường và phần nước còn lại vào, bắc lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều cho đến khi bột chín.
  • Cho bột ra chén, thêm 1/2 muỗng cà phê dầu trộn thật đều sau đó mới cho từ từ sữa bột béo vào.
  • Bé ăn từ 1/3 đến 1 chén mỗi ngày.
2. BỘT TRỨNG - CÀ RỐT (Một chén cung cấp 150 calo)

Nguyên liệu:
  • Bột gạo 10g (2 muỗng canh gạt)
  • Trứng gà 15g (1/2 lòng đỏ)
  • Cà rốt 30g (3 muỗng canh)
  • Đường 2g (1/2 muỗng cà phê)
  • Dầu 5g (1 muỗng cà phê)
  • Nước 200ml (lưng 1 chén nước)
Bột trứng cà rốt làm cho bé khoái khẩu
Bột trứng cà rốt làm cho bé khoái khẩu

Cách làm:
  • Cà rốt nấu chín tán nhuyễn
  • Trứng gà: đánh đều lòng đỏ
  • Cho 10g bột vào ít nước quậy tan đều, thêm vào phần nước còn lại cùng với trứng, bí đỏ, đường.
  • Bắc lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều tay đến khi bột chín, cho ra chén thêm vào 1 muỗng cà phê dầu trộn đều.

3. BỘT ĐẬU HŨ - BÍ XANH (Một chén cung cấp 122,5 calo)

Nguyên liệu:
  • Bột gạo 10g (2 muỗng canh gạt)
  • Tàu hũ trắng 30g (3 muỗng canh)
  • Bí xanh 30g (3 muỗng canh)
  • Đường 2g (1/2 muỗng cà phê)
  • Dầu 5g (1 muỗng cà phê)
  • Nước 200ml (lưng 1 chén nước)
Bột đậu hủ bí xanh càng thêm ngon miệng với bé
Bột đậu hủ bí xanh càng thêm ngon miệng với bé

Cách làm:
  • Bí xanh nấu chín tán nhuyễn.
  • Tàu hũ trắng tán nhuyễn.
  • Hòa 10g bột gạo với chút nước, thêm vào hỗn hợp trên với phần nước còn lại, bí xanh, tàu hũ, đường, bắc lên bếp lửa nhỏ, khuấy đều đến khi chín. Cho ra chén thêm vào 1 muỗng cà phê trộn đều, nêm nước mắm ngon hoặc muối iốt vừa ăn.
Có thể thay thế bí xanh bằng rau dền, rau muống, rau mồng tơi...


Nguồn tham khảo : Internet